Khi tạo một blog hoặc website, điều đầu tiên mình nghĩ đến là chọn mua tên miền (domain name) tốt. Trong bài viết này mình sẽ giải thích vì sao việc đặt tên miền tốt lại quan trọng. Bên cạnh đó mình cũng sẽ hướng dẫn các bạn cách đặt tên miền hay cho blog hoặc trang web của các bạn với một vài mẹo nhỏ và nguyên tắc chung (nên và không nên).

nen dat ten mien cho blog hoac website nhu the nao

Tại sao phải đặt tên miền hay?

Có rất nhiều lý do khiến bạn muốn đặt một tên miền hay cho blog hoặc trang web của bạn ngay từ khi bắt đầu, bởi vì tên miền sẽ gắn liền với blog của bạn mãi mãi. Bạn có thể thay đổi nhà cung cấp dịch vụ tên miền hết lần này đến lần khác dựa vào mức độ tin tưởng của bạn đối với nhà cung cấp, nhưng bạn không thể đổi được tên miền.

Lý do mà mình nói với các bạn điều này là bởi vì tên miền sẽ được gắn liền với trang web của bạn. Đổi tên miền đồng nghĩa với việc bắt đầu mọi thứ lại từ đầu và bạn sẽ không muốn như thế trong khi trang web bạn thành lập ngày càng trở nên nổi tiếng và bạn đã tạo dựng được thương hiệu cho mình đúng không? Bạn sẽ lại bắt đầu từ số “0” trên bảng xếp hạng của Google và sẽ phải làm việc miệt mài trở lại nếu như bạn muốn đổi tên miền giữa chừng. Thứ hạng trên bảng xếp hạng Alexa và các bảng xếp hạng khác cũng sẽ bị hạ xuống bởi vì các bảng xếp hạng đều liên kết với tên miền. Vì thế bạn cần phải đặt một tên miền hay ngay từ đầu. Vậy phải đặt tên miền như thế nào?

Làm thế nào để đặt tên miền hay?

Mình không nghĩ là có nhiều khó khăn trong việc đặt tên miền, điều quan trọng là biết để dấu ấn cá nhân vào tên miền đó. Các bạn hãy làm theo những hướng dẫn sau đây nhé:

  • Sử dụng tên của bạn: Nên ưu tiên sử dụng tên của bạn làm tên miền cho blog, sử dụng 1 hoặc 2 và tối đa là 3 từ trong tên bạn để đặt cho tên miền blog. Vì sao vậy? Blog với tên miền là tên bạn sẽ được người khác dễ ghi nhớ hơn, vì cái gì độc độc (không đụng hàng) sẽ dễ nhớ. Với tên miền là tên riêng, bạn sẽ dễ dàng phát triển thêm nhiều mảng khác cho blog, không bị phụ thuộc vào bất cứ chủ đề cố định nào. Sau này nếu có ý định viết về thứ gì khác thì cũng không phải mua thêm và làm thêm một blog/website khác nữa. Cuối cùng, tên miền này sẽ tạo nên một thương hiệu cá nhân cho bạn, blog của bạn sẽ không hòa lẫn với của một ai khác, bạn dễ dàng thổi vào đó một văn hóa riêng, tạo nên một cái hồn riêng cho nó trên internet.

  • Sử dụng từ khóa: Sử dụng từ khóa trong tên miền để miêu tả trang của bạn (nếu nó hợp lý). Tên miền nên chứa gợi ý về bản chất của sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Một tên miền tốt sẽ miêu tả chính xác nội dung trang của bạn. Điều này rất quan trọng vì người khác sẽ biết được trang blog của bạn có nội dung gì chỉ cần nhìn vào tên miền. Ví dụ: nếu trang blog của bạn nói về đồ cổ và bộ sưu tập tranh thì hãy thử chọn tên miền như là “docohiem.com” hoặc “suutaptranh.com” chứ đừng đặt là “balapbaxam.com”, tên miền này có vẻ hay (!?) nhưng lại không tập trung vào chủ đề chính trên website của bạn.

  • Dễ nhớ: Tên miền nên dễ ghi nhớ bởi vì khách ghé thăm trang web của bạn muốn gõ tên miền vào trình duyệt web nhanh chóng và nếu họ không nhớ được tên miền thì bạn có nguy cơ sẽ mất đi lượng lớn khách hàng tiềm năng. Và tên miền dễ nhớ thì cũng dễ phát âm hơn.

  • Đặt tên miền ngắn: Một tên miền nên ngắn ít hơn 10 ký tự. Tên miền ngắn thì sẽ dễ nhớ hơn. Mặc dù ngày nay rất khó để mua được tên miền ngắn. Cơ bản là bạn không nên đặt tên miền siêu dài "rồng rắn lên mây" kiểu như “daylatenmienyeuthichnhatcuatoi.com”. Tên miền quá dài sẽ gây ra lúng túng và dễ nhầm lẫn khi gõ vào trình duyệt. Bạn có thể thấy mình chọn tên miền cho blog này chỉ gồm 8 ký tự “hoaqt.com”. Trước đây mình có mua tên miền với tên đầy đủ của mình là "nguyendanghoa.com" nhưng vì quá dài nên mình không sử dụng nữa.

  • Rút ngắn tên miền bằng ký tự viết tắt: Cách này chỉ áp dụng khi bạn muốn tên miền càng ngắn càng tốt. Nhưng mình khuyên bạn chỉ sử dụng từ 2 tới 3 ký tự viết tắt thôi, không nên viết tắt nhiều quá sẽ rất khó nhớ. Ví dụ mình sử dụng “HoaQT” là viết tắt của “Hóa Quảng Trị”. Hãy nhớ là đặt tên một cách hợp lý, nếu có viết tắt như mình thì cũng chọn những từ mà người khác dễ liên tưởng.

  • Dùng dấu gạch ngang (-) nếu cầu thiết: Tên miền có thể sử dụng dấu gạch ngang (-) giữa các từ nếu cần thiết. Nếu tên miền “domainname.com” đã được sử dụng bạn có thể thử “domain-name.com”. Dùng dấu gạch ngang đôi lúc cũng giúp tên miền dễ đọc hơn. Nó cũng giúp ích cho việc tìm kiếm nữa.

  • Tên miền dễ đánh máy: Hãy cố gắng đặt tên miền dễ đánh máy (nếu có thể). Dễ gõ cũng giúp bạn dễ tạo nên thương hiệu.

  • Nghĩ đến nơi chốn: Nếu bạn kinh doanh tại địa phương thì hãy nghĩ đến việc thêm vùng hoặc thành phố vào tên miền (ví dụ: bunbohue.com, bunchahanoi.com).

  • Tên miền cấp cao: Hãy cố gắng sử dụng tên miền cấp cao “.com” vì nó phổ biến nhất. Khi người ta nghĩ về một trang web, họ sẽ tự động hình dung đến “domainname.com”. Các bạn cũng có thể sử dụng tên miền cấp cao như “.net” hoặc “.org” nếu không tìm được tên miền “.com”.

Bạn nên sử dụng tên mình hay tên doanh nghiệp?

Nếu blog của bạn nói về chính mình thì hãy sử dụng tên mình làm tên miền. Điều này sẽ có ích nếu bạn là tác giả, diễn thuyết gia hoặc người hướng dẫn…

Nếu bạn kinh doanh sản phẩm hay dịch vụ thì hãy đặt tên miền theo tên công ty hoặc tên sản phẩm.

Một số nguyên tắc chung cần lưu ý

  • Không vi phạm bản quyền: Hãy dành ra ít thời gian tìm hiểu để chắc chắn rằng tên miền bạn chọn không tương tự với tên đã được sử dụng của một công ty hay sản phẩm đã đăng ký bản quyền thương hiệu nào đó. Các bạn không hề muốn dành thời gian tạo nên blog của mình để rồi nhận ra nó giống với tên trang web có thương hiệu được bảo vệ của người khác và kiện ra tòa đúng không?

  • Cẩn thận với kẻ lừa đảo: Có rất nhiều kẻ lừa đảo bán tên miền nên bạn hãy cố gắng mua tên miền cho mình từ nhà đăng ký có tên trong danh sách của cơ quan quản lý tên miền quốc tế ICANN.

  • Đăng ký tên miền tập trung: Nếu bạn có nhu cầu tạo nhiều blog/website khác nhau, bạn không nên đăng ký mỗi tên miền tại một nhà cung cấp khác nhau, điều này sẽ làm công việc quản lý tên miền hay gia hạn tên miền trở nên khó khăn. Hãy chọn ra một nhà cung cấp tên miền tốt nhất và đăng ký tất cả những tên miền bạn muốn sử dụng ở đó.

GoDaddy và Name.com là hai nhà cung cấp tên miền nước ngoài cho phép bạn đăng ký tên miền giá rẻ. Nếu bạn muốn đăng ký tên miền tại Việt Nam thì có thể chọn dịch vụ của công ty Mắt Bão, đây là công ty cung cấp rất nhiều dịch vụ mạng uy tín, ngoài tên miền họ còn có các gói đăng ký hosting Việt Nam với giá cả phải chăng, tốc độ rất cao vì server đặt trực tiếp tại Việt Nam.

Cách chọn tên miền tốt nhất là không ngần ngại thêm dấu ấn cá nhân vào tên miền. Hãy sử dụng những kiến thức thông thường và sự tinh tế của bản thân, hãy cố gắng và sáng tạo hết sức có thể để chọn được một tên miền hợp lý nhất với những hướng dẫn ở trên. Nếu có thắc mắc hay ý kiến muốn trao đổi, bạn hãy để bình luận ở bên dưới nhé!